Hotline
096377948822/04/2023
Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp đầu tiên công bố kết quả kinh doanh với mức lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong quý IV/2022. Cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này lãi hơn 7.400 tỷ đồng. Lỗ quý thứ hai liên tiếp kéo lợi nhuận cả năm giảm hơn ba phần tư, từ mức hơn 34.580 tỷ đồng về còn hơn 8.400 tỷ đồng.
Ngay sau đó, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng báo lỗ hơn 410 tỷ đồng trong quý cuối năm, nâng mức lỗ thêm 93% so với cùng kỳ. Tính chung cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỷ đồng, trong khi năm 2021 có lãi gần 860 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp này có lợi nhuận âm kể từ năm 2014 và cũng là mức lỗ lớn nhất kể từ khi công bố thông tin vào năm 2011.
Mới đây, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) công bố lợi nhuận sau thuế âm hơn 350 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 450 tỷ đồng. Với hai quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận doanh nghiệp này quay về mức âm sau 10 năm lãi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Cả năm 2022, NKG lỗ 67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi khoảng 2.225 tỷ đồng.
Nắm phần lớn thị phần ngành thép, việc ba doanh nghiệp trên báo lợi nhuận đi lùi đã phác họa nên bức tranh kinh doanh xám màu của toàn ngành. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Hòa Phát và VNSteel là hai doanh nghiệp chiếm lớn nhất cả nước về thép xây dựng, lần lượt đạt gần 35% và hơn 11%. Trong khi đó, Nam Kim mạnh mảng tôn mạ, giữ gần 17% thị phần cả nước, chỉ sau Hoa Sen.
Kết quả kinh doanh ảm đạm của ngành thép không gây bất ngờ khi tình hình tiêu thụ lẫn giá bán sản phẩm kém khả quan trong năm 2022. Báo cáo của VSA cho thấy, sản xuất thép thành phẩm hơn đạt 29,3 triệu tấn, giảm gần 12% so với năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm hơn 7%. Trong đó xuất khẩu giảm hơn 19%. Chênh lệch giữa sản xuất và bán hàng lên đến hơn 2 triệu tấn thép thành phẩm.
“Đối với ngành thép Việt Nam, 2022 là một năm đầy thách thức khi thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn và thua lỗ”, VSA nhận định.
Ngay cả quý cuối năm – cao điểm của ngành thép, tình hình tiêu thụ cũng không khả quan như thường lệ. Bán hàng thép thành phẩm quý IV/2022 đạt 5,99 triệu tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021. Giai đoạn cuối năm, ngành thép thường hưởng lợi từ yếu tố mùa vụ khi người dân có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà cửa, công trình… ngày càng cao. Tuy nhiên nhóm này chiếm tỷ trọng không quá lớn. Thép trong nước chủ yếu được tiêu thụ nhờ các dự án bất động sản và đầu tư công. Nhưng nhóm dự án địa ốc gần như bị đóng băng khi thị trường gặp khó về pháp lý, vốn, thanh khoản…
Về giá bán, khép lại đợt tăng mạnh sau Tết nguyên đán, thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 từng bước lùi về vùng 15 triệu đồng một tấn từ cuối tháng 8/2022. Trong quý IV,
giá thép về đáy hai năm khi nhiều thương hiệu lớn bán ra với giá quanh 14 triệu đồng một tấn.
Gần đây, nhiều thương hiệu nâng giá bán mỗi tấn thép vượt 15 triệu đồng. Tuy nhiên động lực tăng giá lại là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng, chưa phải đến từ nhu cầu thị trường sôi động trở lại.
Phân tích về triển vọng ngành thép năm nay, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn khi nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng… Kỳ vọng của ngành thép năm nay là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với năm 2022. Về phía xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Tựu trung, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm và chỉ thực sự khởi sắc vào nửa sau của năm nay.
Nguồn: vnexpress.net